Dangvuthieumong’s Weblog

Tản mạn truyện người, truyện đời

Khổng Minh và truyền thuyết phù thủy

Qua những lời tán tụng Khổng Minh của các loại văn kiếm hiệp tiểu thuyết, người ta có cảm tưởng rằng ông ta, không những văn võ toàn tài, thơ hay mẹo giỏi, lại còn có rất nhiều tài đặc biệt khác, nào là thông hiểu thiên văn địa lý, biết bói toán tiên tri, nào là có khả năng gọi gió hú mưa, cùng thăng thiên độn thổ. Những tác giả của các loại văn huyền hoặc đó, vì muốn được người ta tin, nên hết sức đề cao những thành tựu của ông ta trong lãnh vực này, mang chúng ra để chứng minh cùng bảo lãnh cho những lý thuyết hoang đường của chính họ. Khổng Minh được coi là biết phép gọi gió hú mưa khởi đầu từ trận chiến Xích Bích hồi năm 208. Hồi đó như chúng ta đã biết, Tào Tháo sau khi đã chiếm giữ được hết trung nguyên, sau khi đã đi lên phía bắc phá tan cơ đồ của họ Viên to lớn bằng ba, bằng bốn đất đai dân cư của chính mình, mới kéo quân xuống miền nam để tính thu phục tất cả các miền còn lại của nước tàu hòng thống nhất lại, thành ra một mối. Tào Tháo đầu tiên xuống chiếm Kinh Châu là mảnh đất hình tam giác ở giữa sông Hán và sông Trường Giang. Chủ của Kinh Châu lúc đó là Lưu Biểu vừa bị bệnh mất và người vợ kế vì muốn cho con mình là Lưu Thông lên làm chúa vượt mặt người anh cả là Lưu Kỳ nên mới đem hết thành trì đất đai của châu này ra để hàng Tào. Tào Tháo nhận đất, nhưng không giao cho Thông cai quản mà gửi đi làm quan nơi khác, rồi dọc đường sai người ám sát giết đi. Lúc đó người con đáng ra phải được kế nghiệp là Lưu Kỳ đang trấn nhậm thành Hạ Khẩu vì không chịu hàng Tào nên mới hợp quân với Lưu Bị để cùng nhau tìm phương chống đỡ. Thành Hạ Khẩu nay là tỉnh Vũ Hán ở bên kia sông, ở đối trước mỏm đầu của hình tam giác, nơi mà sông Hán nhập dòng vào cùng với sông Trường Giang. Thành này lẻ loi cô độc nhưng Tào Tháo không thèm tới tấn công mà cứ thong dong sửa soạn tuyền bè tụ tập cả lại ở bến Xích Bích để tính chuyện đổ bộ sang phía đông ngay trước mặt, hòng chiếm lấy hết cả đất đai vùng này, tới đó vẫn thuộc về Tôn Quyền. Tào Tháo cho rằng, một khi đã thu phục được Ðông Ngô của Quyền thì Hạ Khẩu lẻ loi một mình, bắt buộc sẽ phải ra hàng, không cần tới đó đánh chiếm làm chi cho thêm mệt. Quân của Tháo cả thẩy lên tới hơn một triệu rưỡi nhưng phần lớn Tháo để lại giữ nhà, chỉ mang theo để tấn công thự c sự , có độ một phần mười tức là mười lăm vạn. Như vậy kể ra đã là thừa đủ vì bên Ðông Ngô mang ra chống đỡ, chỉ độ năm vạn binh lính là cùng. Cái khó của họ Tào là làm thế nào vượt qua được dòng sông Tràng Giang một cách yên ổn. Sông Dương Tử rộng ngang như một biển nhỏ, binh Tào đưa thuyền sang, ắt phải đi lênh đênh trên mặt nước trong rất nhiều thời gian. Trong lúc đó quân Tào ắt sẽ bị thủy quân của Ðông Ngô tới chặn, đánh cho bị đắm. Quân của Ðông Ngô sống quen trên mặt nước, thông thạo về lối thủy chiến đánh nhau trên sàn thuyền còn trái lại, quân Tào từ trên miền bắc xuống, chỉ biết đi trên bộ, xuống dưới thuyền bè, hễ tròng trành một chút là đứng không vững chóng mặt rức đầu nôn oẹ nhức cảm, còn hơi sức đâu để mà đánh lộn. Ở dưới mặt nước, quân Ðông Ngô có thể thắng thế dễ dàng nhưng ngược lại họ khôn bề đổ bộ lên bờ về phía bắc, vì trên đó quân Tào đông đảo hơn thập bội, sẽ có thể phản công quật lại, dành lấy phần thắng một cách chắc chắn.

Vì rằng cả hai bên đều cùng có chỗ mạnh chỗ yếu cho nên không bên nào dám ra quân trước mà cứ đóng ở trong trại, ở dọc hai bên bờ sông để ghìm nhau đợi địch thủ hễ sơ hở ra là đến đánh phá liền. Không chịu xuất quân nhưng không phải là không ngấm ngầm hoạt động. Bên Tào thì muốn dùng thời gian để, thứ nhất xây dựng một thủy trại làm thành một căn bản vững chắc ngăn chặn Ðông Ngô không cho tới đánh úp rồi thứ nhì, một khi đã được yên ổn sống trong trại đó, thì mới mang các quân tướng ra để rèn luyện cho được hòan tòan thành thạo về nghề thủy chiến. Tào Tháo dùng Thái Mạo là em vợ của Lưu Biểu để quản lãnh về việc này. Thái Mạo sinh trưởng ở Kinh Châu, từ trước tới nay vẫn chỉ huy binh thuyền cho Lưu Biểu. Thái Mạo hàng Tào chỉ vì muốn dựa vào Tào Tháo để đẩy con cháu của Lưu Biểu ra bên cạnh, hòng tự chiếm lấy đất Kinh Châu. Nhưng Tào Tháo cho rằng nếu để Thái Mạo cai quản Châu này, rồi ra tất sẽ làm phản không chịu phục tòng Tháo, chịu nộp thuế nộp má. Vì vậy, Tháo dùng Thái Mạo mà lúc nào cũng như người ngồi trên đống lửa. Tháo ngày đêm lo sợ Thái Mạo nhè lúc bất ngờ, hoặc dùng quyền chỉ huy của mình để mang quân tới đánh úp hoặc ngầm liên kết với Ðông Ngô để cùng tấn công đuổi mình về bắc. Vì vậy vừa được Thái Mạo giúp cho để xây cất xong một cách vững chắc doanh trại dưới nước, vừa biết được cách Mạo luyện tập quân lính cho lành nghề thủy chiến là Tào Tháo muốn trừ  ngay Mạo đi, để khỏi sinh ra hậu hoạn. Lợi dụng lúc đó có người của Ðông Ngô gửi sang để phản gián, Tháo liền tương kế tựu kế gán cho Mạo tội thông đồng với kẻ địch rồi sai đem Thái Mạo ra chém đầu lập tức. Chém rồi Tháo mới giả vờ thở dài than với mọi người rằng mình đã bị mắc lừa, nhưng sự thật Tháo mở cờ trong bụng vì đã tìm được dịp để cắt đứt cái mối nguy tâm phúc này mà không bị người ngoài chê trách là đã dã tâm giết người có thiện trí về hàng với mình.

Về phần Chu Du tức là người đô đốc trẻ được Tôn Quyền cử ra làm tổng chỉ huy tất cả quân đội thủy lục của Ðông Ngô, sau khi đã lập mưu trừ được Thái Mạo rồi, Du lại còn gửi thêm Bàng Thống sang để gặp Tào Tháo khuyên nên buộc chiến thuyền vào với nhau để cho quân lính đi lại đỡ bị tròng trành, đỡ bị say sóng. Nhưng buộc lại như vậy có cái bất lợi là nhỡ có một chiếc thuyền bị lửa cháy thì những các thuyền khác tất sẽ bị cháy lây, khôn bề cứu vãn. Chu Du làm như vậy kể như là đã tính trước tất cả mọi nước cờ nhưng Du không hề nghĩ tới một điểm tối ư  quan trọng là muốn đốt được thuyền phải có chiều gió thuận. Phiền cho Chu Du là ở bờ Xích Bích gió lúc nào cũng thổi từ bờ bên Tào thổi ra và vì thế khi Ðông Ngô đến đốt lửa, lửa đó sẽ lan trở lại về phía mình chứ  đâu có cháy về phía chiến thuyền của binh Tào.

Trong lúc Tôn Tào ngấm ngầm tìm cách lừa nhau thời Lưu Bị với quân sư  là Khổng Minh lúc đó ra sao? Thế của Lưu Bị tạm thời vững như bàn thạch vì Ngụy Ngô mải nghĩ tới chuyện phá họai nhau nên không bên nào rảnh tay rảnh trí để mà tính tới chuyện đánh Bị. Vì thế mà Khổng Minh đã có thể ung dung để Lưu Bị ở lại Hạ Khẩu, một mình dấn thân đi tận sang Ðông Ngô để bàn kế giúp Chu Du. Nhưng Khổng Minh biết thừa đi rằng, hễ Ngụy Ngô còn đánh nhau thì chúa mình còn an ninh nhưng ngược lại hễ cuộc đánh ngã ngũ thì tình thế của Lưu Bị lập tức sẽ như trứng để đầu đẳng, sẽ bị dồn vào cảnh huống cô độc hiểm nghèo. Thật vậy, Tào mà thắng Tôn thì Bị ắt sẽ còn lại có độc một mình ở bên bờ sông Trường Giang và sẽ bị lẻ loi khôn bề chống đỡ. Ngô mà thắng Ngụy thì Ngô ắt sẽ có quyền mang quân đi chiếm đóng hết Kinh Châu, mảnh đất cũ của Lưu Biểu đang bị Tào Tháo đóng chiếm. Lưu Bị như thế cũng lại sẽ không còn có chỗ nào để mở mang đất đai cho thành nên được một căn bản đủ rộng lớn để mà có thể lo sự yên thân lâu dài. Bởi vậy mà, khi Chu Du cho người sang xin liên kết thì Khổng Minh nhận lời liền, gật đầu lia lịa. Khổng Minh thân sang Ðông Ngô để hợp tác mong rằng Ngô sẽ cám ơn mình và sẽ dành cho Lưu Bị một mảnh đất để sống sau này. Phiền một nỗi là Khổng Minh tỏ tình như vậy nhưng vẫn bị Chu Du nghi ngờ lạnh nhạt, tỏ ra là trong bụng đã nhất quyết, hễ đánh xong được Tào tất sẽ không để yên Lưu Bị mà sẽ đi cướp ngay lấy toàn thể Kinh Châu để làm đất phong cho chính mình và các tướng lãnh dưới quyền. Vì thế dẫu Khổng Minh có tới nhưng Chu Du không hề mời vào bàn giấy riêng để phân phối công việc cùng nhau đánh Tào, không hề giao phó cho quân của Lưu Bị một tí phận sự  gì để sau này có thể kể công. Chu Du khởi xướng việc liên kết với Lưu Bị chỉ để bắt Tào Tháo phải chia binh ra phòng ngừa nhưng ngoài ra Chu Du không muốn Lưu Bị được có công vì đã dự phần đánh Tào Tháo, không muốn sau này phải gượng nhẹ với Lưu Bị, phải dành cho Bị cho là một phần đất đai cũ nhỏ bé của Lưu Biểu. Khổng Minh sang tới Ðông Ngô, Chu Du không những không cộng tác mà còn cắt ngay người của mình, ngày đêm canh giữ, ngầm coi như kẻ tử tù đang bị giam lỏng. Du dặn trước quân tướng canh gác Khổng Minh, phải luôn luôn sửa sọan hễ có lệnh là phải chặt đầu Khổng Minh ngay tức khắc.

Về phần Khổng Minh, trước khi sang Ðông Ngô Khổng Minh cũng đã nghĩ tới kế dùng lửa để phá Tào. Nhưng Khổng Minh hơn người ở chỗ nghĩ việc bao giờ cũng nghĩ đến nơi đến chốn. Khổng Minh nghĩ ngay tới cái khó do chiều gió gây nên. Vì vậy mà Khổng Minh đã đi lục tìm niên lịch, khám phá ra cái ngày giáp tý là ngày hai mươi tháng chạp, là cái ngày đặc biệt, đông trí nhất dương sinh. Ngày đó, gió mùa (mousson) đổi chiều, sẽ thổi từ biển đông thổi vào, thổi tự bờ Ðông Ngô sang bờ bên Ngụy. Chỉ có ngày đó quân Ngô mới có thể dùng sức gió để đốt quân Tào. Biết được như thế cho nên trước khi ra đi, Khổng Minh đã căn dặn Lưu Bị phải sửa soạn thuyền bè để đúng hạn, sẵn sàng mang quân đi đánh hôi bằng đường thủy. Tào Tháo cũng biết tới cái ngày đặc biệt này và khi Trình Dục chạy vào báo, Tháo nói ngay : Ngày Ðông chí nhất dương sinh đấy mà, việc gì mà lo sợ hoảng hốt. Tháo biết như vậy nhưng không tính rằng Ðông Ngô sẽ lợi dụng cái ngày duy nhất đó để tấn công dành lấy phần thắng.

Còn như Khổng Minh dẫu có biết trước nhưng cứ  giữ đó trong bụng không hề bảo cho ai hay. Ðợi khi Chu Du bị gió quạt ngọn cờ vào mặt, tự mình hiểu ra, nghĩ tới lúc đó Khổng Minh mới trộ bảo rằng mình biết hú mưa gọi gió.

Tại sao vậy ?

Có phải tại Khổng Minh muốn lừa bịp thiên hạ để được người ta tôn phục là mình có cái tài phù thủy đặc biệt ấy hay chăng?  Dĩ nhiên là không, mà chỉ bởi vì Khổng Minh đang muốn tìm kế thoát thân. Từ khi sang bên Ðông Ngô, Khổng Minh đi đâu cũng đều có người của Chu Du theo sát sau lưng, hễ có lệnh là hạ thủ liền. Tiếng là có quân lính đi hộ vệ nhưng sự thật là để kiểm soát ngăn chặn không cho trở về Hạ Khẩu với Lưu Bị. Khổng Minh bầy ra chuyện lập đàn trên bờ  sông cốt là để có thể bảo Triệu Vân mang thuyền từ Hạ Khẩu tới đón tại chỗ mà không phải đi đâu xa. Tới đúng ngày giáp tý, Khổng Minh gọi quân tướng canh gác của Chu Du lên, bắt ra làm lễ quỳ trước bàn thờ, rồi nhét vào trong tay mỗi anh một cây nến, bảo phải ở nguyên bất động. Khổng Minh ra lệnh là anh nào lơ đễnh làm cho nến tắt, làm cho gió đông vì thế không lên được, sẽ bị kết tội và bị chặt đầu. Những người canh Khổng Minh nơm nớp sợ nến bị tắt, còn đầu óc đâu để mà theo rõi vết chân Khổng Minh.

Nhờ ở cái mưu đó, Khổng Minh cứ tự do, đến giờ hẹn, lững thững một mình ra tới bờ sông, thuyền của Triệu Vân vừa tới cập bến là thong thả nhẩy lên, đi về Hạ Khẩu, một cách êm ấm nhẹ nhàng!

Tiện đây, ta cũng nên xét lối phân phái quân lính đi đánh trận của Chu Du. Quân Ðông Ngô có độ năm vạn nhưng theo như sách kể, những cánh quân Chu Du cử đi hành binh, đếm ra chỉ có độ một vạn. Sự thật, đại quân của Ngô, Du mang theo để tấn công Tào Tháo thì sách không cần nói tới. Nhiệm vụ của những cánh quân sách kể ra, là để phòng ngừa chứ không phải là để trực tiếp phá Ngụy. Toán thứ nhất là để đi đốt lương của quân Tào tức là để làm cho quân Tháo sau này, nếu không thua thì cũng không có thể ở lại lâu dài được. Còn các toán quân khác thì cũng không để đánh nhau mà để ngăn chặn quân Tào ở các nơi khác, không thể đến tiếp ứng được cho Tào Tháo.

Cái khác của kẻ biết hành quân là ở đó. Bao giờ cũng chia quân ra, người thì đánh nhau ở phía đằng trước người thì ở lại đằng sau, chặn giữ phòng hờ. Nếu kẻ đi trước chẳng may bị thua thì còn có thể hoặc gọi kẻ ở sau tiến lên tiếp tay hoặc chạy về chỗ họ đóng trại để mà nghỉ chân cùng lấy lại sức lực. Lưu Bị già đời mà không biết cầm quân là ở chỗ đó. Lúc sau này một mình đi đánh phục thù cho Quan Công, Bị cho quân lính đóng trại thẳng một hàng. Hậu quả là một khi Lục Tốn đến đốt, một khi lửa đã bốc lên là quân của Bị phải chạy vong mạng vì không còn có người đến để tiếp tay mà cũng không có đồn trại khác để rút lui vào đó nghỉ tạm. Trong trận Xích Bích Tào Tháo trước đã phòng hờ chia quân cho ở lại Hợp Phì cùng Hán Dương. Quân Tào ở thủy trại sau này dẫu có bị thua và quân ở hai nơi kia dẫu đã bị chặn không bề tới cứu ứng, nhưng cũng vì thế mà chẳng bị xuy xuyển thiệt hại gì.

Kết quả là ngay năm sau, Tào Tháo đã lại có thể trở về đánh Ðông Ngô một lần nữa với đầy đủ quân binh khí giới. Ðể cho các bạn có được một ý niệm rõ ràng về hình thế, trong bài sau chúng tôi sẽ kèm theo hai bản đồ, một vẽ toàn diện nước Trung Hoa thời Tam Quốc, một dành riêng cho trận chiến Xích Bích. Những bản đồ này là lấy từ trong quyển dịch của Tử vi Lang in ra hồi năm 60. Những quyển dịch hồi trước chiến tranh như quyển của Nguyễn đỗ Mục hay của Mộng bình Sơn không quyển nào có bản vẽ hình thế đất nước vì thời bấy giờ, người ta còn coi bản đồ là đồ quốc cấm không dễ đâu mà tìm cho ra.

Khổng Minh cũng còn được người ta cho là có tài về Bát môn độn giáp tức là tài rút ngắn đất lại. Truyền thuyết này sinh ra nhân khi Khổng Minh đánh nhau với Tư mã Ý.

Nước Thục xưa nay ít người ít ruộng mà Khổng Minh lại trưng dụng rất nhiều dân cầy để ra làm lính cho nên lúc nào quân Thục cũng bị nạn thiếu ăn đe dọa, lúc nào lương thực cũng tới lúc gần cạn. Có lúc hai bên Thục Ngụy ghìm nhau, Khổng Minh đóng trại lâu ngày, sợ binh lính thiếu ăn, mới nẩy ra kế sai họ đi trồng lúa mạch, để sản xuất lương thực ngay tại chỗ hành quân. Sau đó, lúa trồng đã chín nhưng Khổng Minh không dám cho quân ra gặt, e rằng binh Ngụy sẽ lợi dụng lúc đó, đổ ra đánh thua.

Vì thế mà một hôm, Khổng Minh mới lên xe, tới trước trại Ngụy để tự mình dụ địch. Quân Ngụy ùa ra, Khổng Minh bỏ chạy, nhưng chạy rất từ từ, vừa chạy vừa thả khói từ trong xe ra. Khi quân Ngụy đuổi gần kịp thì bấy giờ Khổng Minh mới quặt ra, nấp sau một bụi rậm. Cùng lúc đó có người được lệnh, giả như Khổng Minh từ chỗ nấp từ trước, ở đàng xa ló ra, để lại lững thững đi trong khói cho quân Ngụy nhìn thấy. Ngụy đuổi theo cho tới lúc gần kịp thì bên Thục lại cho thêm một người khác nữa, làm lại đúng nguyên như lần trước. Bởi thế dẫu quân Ngụy phóng ngựa đuổi kíp, trong hết cả buổi mà vẫn có cảm tưởng là không bao giờ đuổi kịp. Trong lúc đó quân của Khổng Minh tha hồ gặt lúa mà không bị ai ngáng trở.

Khổng Minh làm hai vụ phù thủy ở trên với những mục đích rất cụ thể. Ngay chính quyển Tam Quốc cũng đã giảng rõ ở những trang sau nhưng vì người phê bình sau này cố tình không hiểu cho nên những truyền thuyết mê hoặc mới được phổ thông. Lừa bịp hậu thế không phải là Khổng Minh mà chính là các thầy phù thủy và các tác giả truyện kiếm hiệp tiểu thuyết.

=====

Tháng Tám 15, 2009 Posted by | Uncategorized | Bình luận về bài viết này